Chấm dứt hợp đồng lao động là một quy trình đòi hỏi sự tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật lao động để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của người lao động và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn mắc phải những sai sót được quy định trong Bộ luật Lao động, dẫn đến các hậu quả pháp lý không đáng có. Bài viết dưới đây sẽ liệt kê và phân tích một số lỗi phổ biến mà doanh nghiệp thường mắc phải khi chấm dứt hợp đồng lao động, cùng với những bài học rút ra từ 2 vụ án dựa vào tình huống thực tế.
Những lỗi doanh nghiệp thường mắc phải khi chấm dứt hợp đồng lao động
-
Không tuân thủ thời gian thông báo trước
Một trong những lỗi phổ biến nhất là việc không tuân thủ quy định về thời gian thông báo trước khi chấm dứt hợp đồng lao động. Thời gian thông báo trước khi chấm dứt hợp đồng lao động được quy định tại khoản 2 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019.
Theo đó, thời gian thông báo này phụ thuộc vào loại hợp đồng và lý do chấm dứt. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã bỏ qua yêu cầu này, dẫn đến việc chấm dứt hợp đồng bị xem là trái pháp luật..
-
Thiếu minh bạch trong đánh giá hiệu quả công việc
Một số doanh nghiệp không ban hành Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc theo đúng quy định pháp luật lao động và không thiết lập rõ ràng các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong Quy chế. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp không có cơ sở để chấm dứt, cũng như khó khăn trong việc chứng minh lý do chấm dứt hợp đồng do người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc tại điểm a khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019. Tình huống này có thể khiến cho doanh nghiệp gặp phải tranh chấp pháp lý với người lao động.
-
Không tuân thủ đúng quy trình xử lý kỷ luật lao động
Việc không tuân thủ đúng quy trình xử lý kỷ luật lao động trong trường hợp xử lý kỷ luật sa thải người lao động cũng là một lỗi phổ biến
Doanh nghiệp có thể chưa ban hành nội quy lao động theo đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định hoặc nội dung của nội quy lao động không đầy đủ, không chặt chẽ về các hành vi bị xem là vi phạm kỷ luật lao động. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp có thể không thu thập đủ chứng cứ để chứng minh lỗi của người lao động, hoặc không tổ chức cuộc họp xử lý kỷ luật đúng quy định,… Những sai sót này có thể dẫn đến quyết định sa thải trái pháp luật.
-
Không tuân thủ quy định về tái cơ cấu tổ chức
Khi thực hiện thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, nhiều doanh nghiệp không xây dựng phương án sử dụng lao động, không tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, hoặc không tuân thủ quy định về việc đào tạo lại người lao động dôi dư. Điều này dẫn đến việc người lao động khiếu nại, khiếu kiện doanh nghiệp.
-
Không thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ tài chính
Nhiều doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của người lao động trong thời hạn quy định sau khi chấm dứt hợp đồng. Tình huống này có thể dẫn đến các tranh chấp pháp lý và làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.
Bài học từ 2 vụ án dựa trên tình huống thực tế
Vụ án 1 – Công ty Pacific Gas đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông NTT
Tóm tắt: Vụ án này liên quan đến việc Công ty Pacific Gas đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông NTT – cựu Tổng Giám đốc của công ty. Theo quyết định của Bản án phúc thẩm, Tòa án đã xác định rằng Pacific Gas đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Kết quả là công ty Pacific Gas bị buộc phải bồi thường cho ông NTT số tiền hơn 5,4 tỷ đồng.
Chi tiết:
- Nhận định của Tòa án: Pacific Gas căn cứ vào Quyết định bãi nhiệm của Hội đồng quản trị để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông NTT mà không tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật lao động.
- Quyết định của Tòa án: Tòa án xác định hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của Pacific Gas là trái pháp luật và buộc công ty phải bồi thường thiệt hại cho ông NTT hơn 5,4 tỷ đồng.
Bài học: Vụ án này là minh chứng rõ ràng cho việc doanh nghiệp cần phải hết sức thận trọng khi chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, đặc biệt là bãi nhiệm và chấm dứt hợp đồng lao động với người quản lý cấp cao. Việc chấm dứt hợp đồng lao động với người quản lý cấp cao, nếu chỉ dựa vào quyết định bãi nhiệm được chủ doanh nghiệp/Hội đồng quản trị ban hành theo Luật Doanh nghiệp mà không căn cứ vào Bộ luật Lao động, sẽ rất rủi ro cho doanh nghiệp và doanh nghiệp có thể phải chịu các khoản bồi thường lớn.
Vụ án 2 – Bản án ngày 12/09/2023 về tranh chấp tiền lương sau khi chấm dứt hợp đồng lao động số 3590/2023/LĐ-ST
Tham khảo tại: https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1366544t1cvn/chi-tiet-ban-an
Tóm tắt: Ngày 14/02/2022, ông T và Công ty Cổ phần H ký kết Hợp đồng lao động số 00061/2022/HĐLĐ-ADHPP.
- Tuy nhiên, Công ty đã chấm dứt hợp đồng lao động với ông T vào ngày 10/10/2022 mà không thanh toán đủ tiền lương các tháng 7, 8, 9 năm 2022.
Ông T yêu cầu Công ty thanh toán tiền lương còn thiếu, lãi do chậm trả lương và yêu cầu Công ty chốt sổ bảo hiểm xã hội.
Chi tiết:
Nhận định của tòa án: Tòa án xác định hợp đồng lao động giữa ông T và Công ty Cổ phần H là hợp pháp. Công ty đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán lương nên yêu cầu của ông T về việc đòi tiền lương và lãi do chậm trả là có căn cứ.
Quyết định của Tòa án:
Chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn Minh T, buộc Công ty Cổ phần H thanh toán tiền lương tháng 7, 8, 9 năm 2022, thanh toán lãi chậm trả lương, đồng thời phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội chốt sổ bảo hiểm cho ông Nguyễn Minh T.
- Bài học: Vụ án này là một ví dụ về việc người sử dụng lao động chưa hoàn tất các nghĩa vụ khi chấm dứt hợp đồng lao động và người lao động đã khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình. Do đó, doanh nghiệp cần phải tuân thủ các quy định và thủ tục pháp lý liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng lao động, đặc biệt là trách nhiệm thanh toán lương và chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Những lỗi mà doanh nghiệp mắc phải khi chấm dứt hợp đồng lao động không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Để tránh các rủi ro pháp lý không đáng có, doanh nghiệp cần nắm vững quy định pháp luật và thực hiện đúng quy trình.
Hội thảo pháp lý “Chấm Dứt Hợp Đồng Lao Động: Quy Định Và Thực Tiễn, Làm Sao Cho Hiệu Quả?” do Luật sư Ngô Thị Kim Trinh – Partner tại Phuoc & Partners, chia sẻ là cơ hội để người tham gia cập nhật kiến thức pháp lý và kinh nghiệm thực tiễn hữu ích, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình quản lý nhân sự và hạn chế rủi ro tranh chấp.