Nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài của các doanh nghiệp tại Việt Nam ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, việc thuê lao động nước ngoài tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu doanh nghiệp không nắm rõ quy định pháp luật và quy trình thủ tục. 

Bài viết này sẽ chỉ ra những lỗi thường gặp hoặc khó khăn mà doanh nghiệp thường mắc phải khi thuê lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, giúp người đọc có cái nhìn tổng quan và tránh mắc phải những sai sót trong quá trình tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài.

1. Chưa cập nhật đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan

Đây là một sai lầm phổ biến mà nhiều doanh nghiệp mắc phải khi thuê lao động nước ngoài. Việc thiếu hiểu biết về luật pháp có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Doanh nghiệp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hay bị khiếu nại, khởi kiện do vi phạm quy định về tuyển dụng, sử dụng lao động nước ngoài.

Những lỗi thường gặp chúng tôi nhận thấy như:

Chưa hiểu đúng quy định về điều kiện được phép tuyển dụng người lao động nước ngoài: Doanh nghiệp chưa nắm rõ quy định về các ngành nghề, vị trí công việc được phép sử dụng người lao động nước ngoài, dẫn đến việc tuyển dụng người lao động nước ngoài chưa đúng quy định.

Chưa cập nhật những thay đổi mới nhất của pháp luật: Nghị định 70/2023/NĐ-CP với nhiều sửa đổi, bổ sung về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam so với Nghị định 152/2020/NĐ-CP, mà nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa cập nhật.

Áp dụng chưa đúng pháp luật đối với người lao động nước ngoài: Doanh nghiệp áp dụng quy định tại Bộ luật Lao động dành cho người lao động Việt Nam cho người lao động nước ngoài, dẫn đến việc vi phạm quyền lợi của người lao động nước ngoài. Ví dụ: giao kết thỏa thuận thử việc, giao kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn với người lao động nước ngoài. 

Những điều này có thể sẽ gây ảnh hưởng đến việc thu hút, giữ chân nhân tài và uy tín của doanh nghiệp.

2. Sai sót trong thủ tục hành chính

Ngoài những thủ tục chung như đối với người lao động Việt Nam, doanh nghiệp còn cần thực hiện thêm một số thủ tục bổ sung để đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật và đảm bảo quyền lợi cho người lao động là người nước ngoài.

Giải trình nhu cầu sử dụng lao động: Doanh nghiệp thường gặp khó khăn trong việc giải trình lý do vì sao tuyển dụng người lao động nước ngoài. 

Hồ sơ xin cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài thiếu sót hoặc chưa đúng quy định: Doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc xác định hình thức làm việc, chức danh của người lao động nước ngoài; thời gian xin giấy phép lao động kéo dài; Các văn bản chứng minh, xác nhận bằng cấp, kinh nghiệm làm việc của người lao động nước ngoài chưa đáp ứng yêu cầu, vị trí công việc tuyển dụng. Chưa gia hạn giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài đúng hạn: Việc gia hạn giấy phép lao động chưa đúng thời hạn theo luật định có thể dẫn đến việc người lao động nước ngoài làm việc không hợp pháp tại Việt Nam, gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, và có thể xảy ra tranh chấp với người lao động nước ngoài.

thue-lao-dong-nuoc-ngoai

3. Thiếu sót trong hợp đồng lao động

Bên dưới là một số lỗi đặc biệt, điển hình khi doanh nghiệp thiết lập hợp đồng lao động với người lao động nước ngoài:

Hợp đồng lao động chưa đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định của pháp luật: Hợp đồng lao động thiếu các nội dung quan trọng như thời hạn hợp đồng, công việc, tiền lương, chế độ nghỉ phép, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,… dẫn đến tranh chấp giữa hai bên.

Hợp đồng lao động sử dụng ngôn ngữ chưa rõ ràng, dễ gây hiểu lầm: Việc sử dụng ngôn ngữ chưa rõ ràng trong hợp đồng lao động có thể dẫn đến tranh chấp giữa hai bên do mỗi bên hiểu theo một cách khác nhau.

Chưa chú ý đến thời hạn giấy phép lao động: Thời hạn của hợp đồng lao động chưa phù hợp với thời hạn của giấy phép lao động. Doanh nghiệp chưa theo dõi và làm thủ tục cấp lại giấy phép lao động khi hết hạn, dẫn đến việc sử dụng người lao động nước ngoài chưa hợp pháp.

Doanh nghiệp thường quên gửi hợp đồng lao động đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động.

4. Những lỗi thường gặp khác

Bên trên là những mục lỗi lớn mà doanh nghiệp thường vướng phải, tuy nhiên vẫn còn những thủ tục khác liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp và người lao động nước ngoài như:

Tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp

Một số doanh nghiệp chưa tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động nước ngoài theo quy định và chưa thực hiện nghĩa vụ chi trả tiền lương tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. 

Quản lý người lao động nước ngoài:

Doanh nghiệp thường chưa thực hiện việc báo cáo tình hình sử dụng người lao động nước ngoài theo luật định. 

Mong rằng bài viết này đã cung cấp cho bạn đọc những lỗi thường mắc phải của doanh nghiệp khi thuê người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, giúp người đọc nhận thức và tránh những lỗi không đáng có cho doanh nghiệp của mình trong tương lai.

Để giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về quy định, những điều cần lưu ý và cách làm thực tế sao cho phù hợp với pháp luật khi thuê lao động người nước ngoài, CLB Giám đốc Pháp chế Doanh nghiệp tổ chức Hội thảo về Pháp lý “Thuê Lao Động Nước Ngoài – Hiểu, Lưu Ý Và Làm Sao Cho Đúng?” với sự dẫn dắt của Luật sư Dương Tiếng Thu – Senior Partner, Phuoc & Partners.

📌Tìm hiểu thêm và đăng ký tham dự tại: https://tinyurl.com/9hwracs4