LÃI SUẤT CHO VAY NHÀ Ở XÃ HỘI THAY ĐỔI TỪ NGÀY 01/8/2024

Theo Công văn 4524/NHCS-TDSV năm 2024, trong khi chờ Bộ trưởng các Bộ: Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ban hành mẫu giấy tờ chứng minh đối tượng, điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội làm căn cứ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 100/2024/NĐ-CP .

Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội yêu cầu chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội các tỉnh, thành phố thực hiện nội dung sau:

* Khoản 14 Điều 78 Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định:

Đối với các khoản vay đã ký Hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 49/2021/NĐ-CP ) trước ngày Nghị định 100/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì áp dụng mức lãi suất theo quy định tại khoản 4 Điều 48 của Nghị định 100/2024/NĐ-CP cho dư nợ gốc thực tế, dư nợ gốc bị quá hạn (nếu có.

* Khoản 4 Điều 48 Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định:

Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

Do đó, đối với các khoản vay đã ký Hợp đồng tín dụng trước ngày 01/8/2024, Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay và người vay vốn thỏa thuận thống nhất nội dung sau vào Phụ lục Hợp đồng tín dụng như sau:

– Lãi suất cho vay:

+ Lãi suất cho vay: Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ. Hiện nay, mức lãi suất cho vay là 6,6%/năm.

+ Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

+ Khi có sự thay đổi về lãi suất cho vay, lãi suất nợ quá hạn, Bên cho vay có trách nhiệm gửi thông báo cho Bên vay muộn nhất vào ngày đầu tiên của kỳ tính lãi liền kề.

Sau đó ghi thời điểm thống nhất nội dung tại Phụ lục Hợp đồng tín dụng và ký, ghi rõ họ tên của Bên vay, Bên cho vay.

Ngân hàng Chính sách xã hội các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện và hoàn thành ngay trong ngày 01/8/2024.

Xem chi tiết tại Công văn 4524/NHCS-TDSV ban hành ngày 01/8/2024

ĐÃ CÓ THÔNG TƯ 37 HƯỚNG DẪN CHO VAY ĐẶC BIỆT

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 37/2024/TT-NHNN nhằm hướng dẫn cá quy định về cho vay đặc biệt từ ngày 01/7/2024.Cụ thể, Thông tư 37/2024/TT-NHNN quy định về việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước), tổ chức tín dụng khác đối với tổ chức tín dụng.

Các quy định trong Thông tư 37/2024/TT-NHNN không áp dụng:

– Việc cho vay đặc biệt của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đối với tổ chức tín dụng và việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;

– Việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước đối với khoản vay có lãi suất là 0%/năm, khoản vay không có tài sản bảo đảm quy định tại khoản 4 Điều 193 Luật Các tổ chức tín dụng 2024.

Theo Thông tư 37/2024/TT-NHNN, các trường hợp cho vay đặc biệt từ ngày 01/7/2024 gồm:

(1) Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt bằng nguồn tiền từ thực hiện chức năng của ngân hàng trung ương về phát hành tiền trong các trường hợp sau:

– Cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt là ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền;

– Cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô để thực hiện phương án phục hồi đã được phê duyệt;

– Cho vay đặc biệt đối với ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã được phê duyệt;

– Cho vay đặc biệt đối với ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt để hỗ trợ phục hồi theo phương án chuyển giao bắt buộc theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010 đã được phê duyệt.

(2) Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cho vay đặc biệt trong các trường hợp sau:

– Cho vay đặc biệt đối với quỹ tín dụng nhân dân bị rút tiền hàng loạt để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền;

– Cho vay đặc biệt đối với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt để thực hiện phương án phục hồi đã được phê duyệt.

(3) Tổ chức tín dụng khác (trừ Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam) cho vay đặc biệt trong các trường hợp sau:

– Cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt là ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền;

– Cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô để thực hiện phương án phục hồi đã được phê duyệt;

– Cho vay đặc biệt đối với ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã được phê duyệt.

Xem thêm tại Thông tư 37/2024/TT-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024.

Đồng thời, các Thông tư sau đây sẽ hết hiệu lực từ ngày 01/7/2024:

– Thông tư 08/2021/TT-NHNN quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, trừ quy định tại khoản 2 Điều 35 Thông tư 37/2024/TT-NHNN;

– Thông tư 02/2022/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 08/2021/TT-NHNN quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt;

– Thông tư 13/2022/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 08/2021/TT-NHNN quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, trừ quy định tại khoản 2 Điều 35 Thông tư 37/2024/TT-NHNN;

– Thông tư 01/2023/TT-NHNN quy định về cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trong trường hợp thật sự cấp bách.

CẬP NHẬT QUY ĐỊNH VỀ CÁC HÀNH VI BỊ CẤM TRONG TẠM NGỪNG LƯU THÔNG, PHONG TỎA, NIÊM PHONG, TẠM GIỮ VÀ XỬ LÝ ĐỐI VỚI TIỀN, TÀI SẢN LIÊN QUAN ĐẾN KHỦNG BỐ, TÀI TRỢ KHỦNG BỐ

Chính phủ ban hành Nghị định 93/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 sửa đổi Nghị định 122/2013/NĐ-CP quy định về tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.

Theo đó, khoản 5 Điều 1 Nghị định 93/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung Điều 5 Nghị định 122/2013/NĐ-CP về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

– Lợi dụng việc trì hoãn giao dịch, tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

– Tiết lộ thời gian, địa điểm, nội dung bưu gửi được bóc mở, kiểm tra, niêm phong, tạm giữ theo quy định tại Nghị định này và pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

– Tạo điều kiện, giúp sức, huy động, hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp, một phần hoặc toàn bộ tiền, tài sản, nguồn tài chính, kinh tế, dịch vụ tài chính và dịch vụ khác cho tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; tổ chức, cá nhân thay mặt, chịu sự chi phối, sở hữu, kiểm soát, được ủy quyền hoặc chỉ đạo của tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.

Xem thêm nội dung tại Nghị định 93/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/9/2024.

QUY ĐỊNH VỀ CAN THIỆP THỊ TRƯỜNG NGOẠI HỐI TRONG NƯỚC

Ngày 09/8/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 43/2024/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 01/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Theo đó, quy định can thiệp thị trường ngoại hối trong nước như sau:

(1) Ngân hàng Nhà nước thực hiện can thiệp thị trường trong nước thông qua các hình thức sau:

(1.1) Mua, bán ngoại tệ với đồng Việt Nam dưới hình thức mua, bán ngoại tệ giao ngay; mua, bán ngoại tệ kỳ hạn; mua, bán quyền chọn mua, quyền chọn bán ngoại tệ hoặc các hình thức mua bán khác do Thống đốc quyết định;

(1.2) Hoán đổi ngoại tệ với đồng Việt Nam;

(1.3) Các hình thức can thiệp thị trường trong nước khác được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

(2) Vụ Chính sách tiền tệ chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước:

– Báo cáo Thống đốc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các hình thức can thiệp thị trường trong nước khác được quy định tại điểm (1.3);

– Trình Thống đốc quyết định các hình thức mua bán khác được quy định tại điểm (1.1);

– Đề xuất phương án can thiệp thị trường trong nước báo cáo Trưởng Ban điều hành trình Thống đốc phê duyệt.

(3) Việc bán ngoại tệ cho các dự án đã được Chính phủ bảo lãnh và cam kết chuyển đổi ngoại tệ được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hướng dẫn quy trình chuyển đổi ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước cho các dự án được Chính phủ cam kết bảo lãnh và hỗ trợ chuyển đổi ngoại tệ.

(4) Nội dung phương án can thiệp thị trường trong nước bao gồm: Thời gian can thiệp, loại ngoại tệ can thiệp, tỷ giá can thiệp, số lượng ngoại tệ can thiệp, hình thức can thiệp, đối tác thực hiện can thiệp và các nội dung khác có liên quan.

(5) Cơ sở xây dựng phương án can thiệp thị trường trong nước:

– Mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá;

– Quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước;

– Các nội dung có liên quan về tình hình thị trường ngoại tệ và/hoặc tình hình thanh khoản đồng Việt Nam;

– Các yếu tố khác (nếu cần thiết).

(6) Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thực hiện phương án can thiệp thị trường trong nước đã được phê duyệt.

Xem thêm nội dung tại Thông tư 43/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 23/9/2024.

CÁC NỘI DUNG CHÍNH TRONG HỢP ĐỒNG THUÊ NHÀ LÀ TÀI SẢN CÔNG KHÔNG SỬ DỤNG VÀO MỤC ĐÍCH ĐỂ Ở TỪ 15/10/2024

Ngày 23/8/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 108/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác.

  1. Các nội dung chính trong Hợp đồng thuê nhà là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở từ 15/10/2024

Theo quy định tại Điều 18 Nghị định 108/2024/NĐ-CP thì Hợp đồng thuê nhà là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở như sau:

Hợp đồng thuê nhà được ký giữa tổ chức quản lý, kinh doanh nhà và tổ chức, cá nhân được quyền thuê nhà theo quy định tại Điều 14 Nghị định 108/2024/NĐ-CP hoặc tổ chức, cá nhân trúng đấu giá theo quy định tại Điều 15 Nghị định 108/2024/NĐ-CP. Trường hợp được gia hạn thời hạn cho thuê nhà hoặc điều chỉnh nội dung Hợp đồng thuê nhà thì phải ký Phụ lục Hợp đồng.

– Nội dung chủ yếu của Hợp đồng thuê nhà gồm:

+ Thông tin về bên cho thuê, bên thuê nhà.

+ Các thông tin về nhà, công trình xây dựng cho thuê.

+ Giá cho thuê và việc điều chỉnh giá cho thuê.

+ Phương thức và thời hạn thanh toán.

+ Thời hạn cho thuê; thời điểm giao, nhận nhà, đất.

+ Mục đích sử dụng nhà.

+ Điều kiện gia hạn Hợp đồng.

+ Quyền và nghĩa vụ của các bên.

+ Trách nhiệm do vi phạm Hợp đồng.

+ Phạt vi phạm Hợp đồng.

+ Các trường hợp chấm dứt Hợp đồng và các biện pháp xử lý.

+ Giải quyết tranh chấp.

+ Thời điểm có hiệu lực của Hợp đồng.

+ Các nội dung khác phải tuân thủ theo quy định tại Nghị định 108/2024/NĐ-CP và pháp luật khác có liên quan.

– Căn cứ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 18 Nghị định 108/2024/NĐ-CP và Mẫu Hợp đồng thuê nhà (Mẫu số 06) tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 108/2024/NĐ-CP, tổ chức quản lý, kinh doanh nhà ký Hợp đồng thuê nhà với tổ chức, cá nhân thuê nhà theo quy định của pháp luật.

HỒ SƠ VAY THẾ CHẤP SỔ ĐỎ TẠI NGÂN HÀNG MỚI NHẤT NĂM 2024

  1. Điều kiện để được vay thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng

Theo khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024 quy định người sử dụng đất được thế chấp quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

– Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp:

+ Thừa kế quyền sử dụng đất.

+ Chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư.

+ Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư của nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án bất động sản.

+ Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất nhưng đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án;

– Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật;

– Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự;

– Trong thời hạn sử dụng đất;

– Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.

Như vậy, để được thế chấp sổ đỏ người sử dụng đất phải đáp ứng được các điều kiện nêu trên.

  1. Hồ sơ vay thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng mới nhất năm 2024

Khi có nhu cầu vay vốn, khách hàng phải cung cấp cho tổ chức tín dụng các hồ sơ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 Thông tư 39/2016/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 12/2024/TT-NHNN) bao gồm:

Thông tin, tài liệu, dữ liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn theo quy định tại Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN và các thông tin, tài liệu, dữ liệu khác do tổ chức tín dụng hướng dẫn;

Đồng thời, tại khoản 2 Điều 16 Thông tư 39/2016/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 12/2024/TT-NHNN) quy định khách hàng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu cho tổ chức tín dụng trung thực, chính xác, đầy đủ, kịp thời và phải chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu đó:

– Các thông tin, tài liệu, dữ liệu quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 39/2016/TT-NHNN;

– Báo cáo việc sử dụng vốn vay và cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích ghi trong thỏa thuận cho vay;

– Các thông tin, tài liệu, dữ liệu về biện pháp bảo đảm tiền vay trong trường hợp tổ chức tín dụng, khách hàng có thỏa thuận về việc áp dụng biện pháp bảo đảm.

Như vậy, theo quy định nêu trên, hồ sơ vay thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng bao gồm:

– Đơn đề nghị vay vốn theo mẫu của từng ngân hàng.

– Giấy tờ tùy thân của người vay như: CMND/CCCD/Hộ chiếu;

– Thỏa thuận vay vốn theo mẫu của từng ngân hàng

– Hồ sơ liên quan đến đảm bảo tiền vay:

Giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất được dùng để thế chấp: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, biên bản bàn giao, hợp đồng mua bán căn hộ chung cư giữa người vay với chủ đầu tư.

– Tài liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn:

+ Giấy tờ chứng minh thu nhập hàng tháng của người vay: Giấy xác nhận thu nhập có chữ ký của người sử dụng lao động, sổ tiết kiệm, các tài sản hiện có khác ngoài tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất.

– Giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng vốn của người vay (vay mua nhà thì cần có hợp đồng mua nhà, vay mua ô tô thì có hợp đồng mua bán xe ô tô, vay để sửa chữa nhà ở thì cần có giấy phép xây dựng…).

– Các loại giấy tờ khác theo yêu cầu của từng ngân hàng.