Thỏa thuận không cạnh tranh là một công cụ được nhiều doanh nghiệp áp dụng nhằm bảo vệ bí mật kinh doanh (“BMKD”) và bí mật công nghệ (“BMCN”) trong quá trình người lao động (“NLĐ”) làm việc tại doanh nghiệp và sau khi NLĐ rời khỏi doanh nghiệp.  

Dưới góc độ pháp lý, thỏa thuận không cạnh tranh vẫn đang là vấn đề còn tranh cãi do phần nào hạn chế quyền “làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc” của NLĐ. 

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trên thực tế vẫn đang ký kết thỏa thuận không cạnh tranh với NLĐ để bảo đảm hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm của NLĐ. 

1. Thỏa thuận không cạnh tranh là gì? 

Thỏa thuận không cạnh tranh được hiểu là cam kết giữa NLĐ với người sử dụng lao động (“NSDLĐ”), dưới dạng văn bản độc lập hoặc một điều khoản trong hợp đồng lao động (“HĐLĐ”), về việc NLĐ sẽ không trực tiếp hoặc gián tiếp làm việc cho các đối thủ cạnh tranh của NSDLĐ trong một khoảng thời gian nhất định sau khi chấm dứt HĐLĐ. Pháp luật về lao động hiện không quy định về Thỏa thuận không cạnh tranh. 

2. Cơ sở pháp lý ủng hộ thỏa thuận không cạnh tranh

Mặc dù không được quy định cụ thể trong pháp luật hiện hành, một số văn bản pháp luật gián tiếp ủng hộ tính hợp pháp của thỏa thuận này: 

  • Theo Điều 3.2 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận trong phạm vi không vi phạm điều cấm của luật và không trái với đạo đức xã hội.  
  • Đồng thời, theo Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bổ sung tại Điều 1.76.(a) Luật Sở hữu trí tuệ 2022, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền: 
  • Áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;  
  • Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;  
  • Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định pháp luật. 

3. Cơ sở pháp lý không ủng hộ thỏa thuận không cạnh tranh 

Ngược lại, một số quy định trong pháp luật Việt Nam lại bảo vệ quyền tự do lao động của NLĐ: 

  • Bộ luật Lao động 2019 (Điều 5.1(a)): Quy định NLĐ có quyền tự do lựa chọn việc làm và nơi làm việc. 
  • Hiến pháp 2013 (Điều 35.1): Bảo vệ quyền công dân được tự do lựa chọn nghề nghiệp và nơi làm việc. 
  • Luật Việc làm 2013 (Điều 9.6): Cấm các hành vi cản trở, gây khó khăn quyền lợi hợp pháp của NLĐ,  
  • Luật Việc làm 2013 (Điều 4): Bảo đảm quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm. 

4. Lợi ích của thỏa thuận không cạnh tranh đối với doanh nghiệp 

Mặc dù còn tranh cãi về mặt pháp lý, thỏa thuận không cạnh tranh mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho doanh nghiệp: 

  • Bảo vệ BMKD, BMCN và giảm thiểu rủi ro cạnh tranh: Đảm bảo NLĐ không sử dụng BMKD, BMCN của doanh nghiệp cho các công ty cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp sau khi NLĐ chấm dứt hợp đồng. 
  • Cơ sở pháp lý: Thỏa thuận này được cơ quan giải quyết tranh chấp coi là chứng cứ khi giải quyết tranh chấp, hạn chế rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp.  

Kết luận 

Thỏa thuận không cạnh tranh là một biện pháp quan trọng giúp bảo vệ lợi ích doanh nghiệp, đặc biệt là trong các ngành có tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, khi áp dụng thỏa thuận này, doanh nghiệp cần cẩn trọng để tránh vi phạm quyền tự do lao động của NLĐ theo quy định pháp luật Việt Nam.